1. Quy định của pháp luật về thừa kế
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sau khi người để lại di sản chết đi mà không để lại di chúc thì sẽ phát sinh quyền thừa kế theo pháp luật. Điều 676 của Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định về hàng thừa kế như sau:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với những trường hợp người để lại di sản chết có để lại di chúc thì người được thụ hưởng di sản theo di chúc phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
2.Thủ tục và Hồ sơ Khai Nhận Di Sản Thừa Kế
A. Hồ sơ cần chuẩn bị để khai nhận di sản thừa kế
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hoặc giấy tờ liên quan đến tài sản thừa kế: Sổ tiết kiệm; giấy tờ xe, cổ phiếu, trái phiếu …;
Giấy chứng tử;
Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế;
Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/chị/em bạn; giấy chứng tử của ông bà nội; giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ bạn …).
B. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Bước 1: Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
Sau khi tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ phù hợp quy định của pháp luật, tổ chức công chứng thực hiện thủ tục niêm yết hồ sơ khai di sản tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường, nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản;
Trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường nơi tạm trú của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường, nơi có bất động sản.
Thời gian niêm yết công khai tại UBND Phường là 15 ngày. Sau thời gian này, nếu không có khiếu nại hay tranh chấp nào thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Luật Công chứng 2014.
Bước 2: Đăng ký biến động + Khai thuế
Sau khi thực hiện xong thủ tục tại bước 1 thì quý khách cần tiến hành kê khai thuế (thuế thu nhập cá nhân, tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất ..) tại chi cục thuế nơi có bất động sản;
Sau khi tiến hành kê khai thuế xong, bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
- Thành phần hồ sơ gồm đăng ký biến động gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
- Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;
- Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/chị/em bạn; giấy chứng tử của ông bà nội; giấy đăng ký kết hôn …).
Chúc các bạn thành công!
0 Nhận xét